Sự khởi đầu cho nhiều bước tiến hơn nữa của Việt Nam trên sân chơi quốc tế
Bên lề cuộc họp thượng đỉnh này, rất nhiều sự chú ý của truyền thông còn dồn vào việc (1) tại sao Việt Nam được lựa chọn để tổ chức sự kiện quan trọng tầm thế giới này; (2) cơ hội ấy sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế và địa chính trị của Việt Nam tới đây; và (3) liệu Việt Nam có trở thành mô hình cải cách kinh tế kiểu mẫu cho Triều Tiên, chứ không đơn thuần chỉ là điểm hẹn giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim?
Rất nhiều người đã chỉ ra rằng, trong quá khứ, các sự kiện địa chính trị lớn có liên quan đến Việt Nam chỉ được tổ chức ở các nước khác như Hiệp định hòa bình Geneva 1954, hay các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70.
Vậy mà hôm nay chỉ sau vài thập kỷ, quốc gia Đông Nam Á này đã trở thành nơi tổ chức sự kiện chính trị có thể nói là quan trọng nhất thế giới năm nay.
Mượn lời câu khẩu hiệu của một chiến dịch quảng cáo rất lâu đời ở Mỹ thì đúng là, “Vietnam, you have come a long way!” (Tạm dịch: Việt Nam, bạn đã đi một chặng đường dài!)
Vậy nay, khi sự kiện đã kết thúc, chúng ta có thể cùng ngồi lại và nhìn nhận những tác động và cơ hội mà Hội nghị thượng đỉnh giữa những bên đối địch này sẽ mang lại cho nền kinh tế Việt Nam; đặc biệt là đối với đầu tư nước ngoài, và ở mức độ cá nhân với Tôi – Giám đốc điều hành Công ty bất động sản Indochina Capital.
Tôi sẽ bắt đầu bằng việc chỉ ra rằng, vị thế của Việt Nam trên trường thế giới vốn đã và đang được nâng cao nhờ các sự kiện địa – chính trị gần đây.
Nổi bật trong số đó là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; sự kiện buộc các công ty Mỹ cũng như các công ty nước ngoài khác bắt đầu phải di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam; hay tầm ảnh hưởng đang lớn dần của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tất cả những điều này đã giúp gia tăng đáng kể lượng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2019 (vượt cả con số kỷ lục đã đạt được trong năm 2018).
Mặc dù có khả năng căng thẳng Mỹ – Mỹ sẽ giảm nhiệt trong thời gian tới, việc dịch chuyển nguồn lực sản xuất vẫn sẽ được đẩy mạnh khi Việt Nam tiếp tục cung cấp nguồn lao động với chi phí cạnh tranh, và trở thành đối tác thương mại hấp dẫn hơn thông qua CPTPP.
Bên cạnh đó, cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Trump và Kim vừa diễn ra tại Hà Nội sẽ góp phần củng cố hơn nữa nền móng này, và tiếp tục khơi gợi sự quan tâm toàn cầu vào Việt Nam như một trung tâm sản xuất và đối tác thương mại quan trọng. Việc xuất hiện tại các sự kiện quốc tế quan trọng giúp Việt Nam rất nhiều trong việc quảng bá thương hiệu quốc gia, đặc biệt là trong các vấn đề về Hoa Kỳ. Điều này đúng với cả ngành sản xuất lẫn du lịch dịch vụ.
Đối với lĩnh vực du lịch và ngành công nghiệp khách sạn hiện đang phát triển với tốc độ chóng mặt tại Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên rõ ràng sẽ giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh về một miền đất hấp dẫn, thú vị và có nhiều điều cần khám phá.
Rất nhiều người đã nói với tôi rằng, tất cả những người đang có kế hoạch đi du lịch mà họ biết đều có ý định tới Việt Nam. Còn những người trước đây đã từng đến thì cũng đang thu xếp để quay trở lại. Các nhà hàng, khách sạn, quán bar và club tại Hà Nội đều đang hưởng lợi lớn từ việc này. Điều quan trọng là không chỉ riêng thủ đô, nhiều thành phố và vùng miền khác đang và sẽ có cơ hội phát triển ngành du lịch của mình khi ngày càng có nhiều người nước ngoài đến thăm và làm việc tại đây.
Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa: Truyền thông quốc tế liên tục đưa tin 24/24h về hội nghị – rất nhiều trong số đó được dành để nói về câu chuyện tăng trưởng vượt bậc, bề dày lịch sử văn hóa, nền ẩm thực xuất sắc, vẻ đẹp thiên nhiên đa dạng, đặc biệt là con người tuyệt vời đầy mến khách của Việt Nam – còn hiệu quả hơn bất kỳ chiến dịch truyền thông hoàn hảo nào.
Điều đáng nói ở đây là tất cả những việc này xảy ra khi các cuộc thảo luận nghiêm túc giữa các cơ quan và hãng hàng không Việt Nam với các đối tác Hoa Kỳ nhằm khai thác các chuyến bay thẳng đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam – một cột mốc cực kỳ quan trọng cho ngành du lịch.
Là một trong những nhà phát triển bất động sản xây dựng và vận hành các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và nhà ở có một không hai tại Việt Nam, không điều gì làm tôi phấn khích hơn khi được chứng kiến đất nước này bước lên sân chơi quốc tế với vai trò chủ chốt. Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên chắc chắn sẽ tăng cường sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như khách du lịch, kéo đến một lượng lớn người tới các khu nghỉ dưỡng và khách sạn. Đồng thời giúp gia tăng nhu cầu và mối quan tâm tới các dự án bất động sản thương mại và nhà ở. Đây chính là cơ hội mà các nhà đầu tư như ICC-Kajima (một liên doanh của Indochina Capital và Tập đoàn Kajima) cần để tâm và đi trước đón đầu.
Là một người đã sinh sống và làm việc rất lâu trên đất nước này, cá nhân tôi tự hào một cách sâu sắc vào việc Việt Nam được tham gia vào một sự kiện địa-chính trị vô cùng quan trọng với vai trò chính. Tôi cũng tin rằng, đây sẽ chỉ là sự khởi đầu cho nhiều bước tiến hơn nữa của Việt Nam trên sân chơi quốc tế.
Đọc bài viết trên Baodautu.vn